Hotline: 0914 202 757 | Liên hệ

GẶP CHÂU THANH VŨ: HỌC BỔNG TIẾN SĨ TOÀN PHẦN HARVARD Ở TUỔI 24

24 tuổi, Vũ nhận học bổng tiến sĩ toàn phần từ ĐH Harvard và 7 trường ĐH danh giá khác từ nước Mỹ. Nhưng đằng sau đó, là một câu chuyện tuyệt vời về ước mơ thay đổi cuộc sống người nghèo của một chàng trai đến từ miền quê nắng gió Ninh Thuận.

 

Đến bây giờ thì có lẽ tôi đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình về mấy người học giỏi. Tất nhiên là sau khi có dịp được trò chuyện với Châu Thanh Vũ, một anh chàng học rất cừ nhưng không chịu thừa nhận điều đó. Thanh Vũ, trái ngược lại với suy nghĩ cố hữu của chúng ta về đám học giỏi trong lớp - là một anh chàng hoạt bát, nhã nhặn và có nụ cười vô cùng dễ mến.

Nhưng không phải thành tích, mà điều đặc biệt nhất ở Vũ khiến tôi chú ý hơn khi trao đổi với cậu ấy qua email, chắc là sự điềm đạm và có phần già trước tuổi. Nguồn năng lượng dễ chịu của Vũ khiến người ta tôn trọng và yêu mến cậu hơn. Vũ thực sự có những suy nghĩ rất hay mà tôi nghĩ là, nhiều người ở tuổi của cậu chưa chắc đã nghĩ được đến thế.

Từ miền nắng gió Ninh Thuận đến giảng đường Harvard 

Đọc bản thành tích của Vũ, rất có thể bạn sẽ bị ngợp bởi Vũ… quá giỏi. Mỗi năm, Harvard chỉ tiếp nhận 30-35 nghiên cứu sinh theo học tiến sĩ ngành kinh tế, và Vũ là một trong số ngót ba chục người đó. Thậm chí, Vũ còn được học bổng toàn phần cho 5 năm theo học tiến sĩ ở ngôi trường này.

 

Nhìn lại con đường đã đi qua, từ miền quê nắng gió Ninh Thuận cho đến giảng đường của Harvard, Vũ có vẻ hạnh phúc, không phải chỉ vì thành tích mình đang nắm trong tay, mà còn vì đó thật sự là một hành trình tuyệt vời. “Đó là một chặng đường mà đã có nhiều lúc, tôi thấy mình đang đi rất chậm, nhiều lúc không rõ mình đang đi đâu, nhiều lúc cảm thấy mình đi lùi. Nhưng, cứ mỗi lần nhìn lại đã thấy mình đi thật dài, thật xa, được sống ở nhiều nơi và học được nhiều điều”.

Vũ tạo cho tôi cảm giác, tất cả mọi thứ đến với Vũ đều rất nhẹ nhàng và không có gì phải gồng mình cả. Có lẽ là như thế thật, bởi ngay cả khi nói về việc mình liều lĩnh chọn con đường học UWC, Vũ vẫn nói khi ấy mình thấy hứng thú hơn là sợ hãi. “Quyết định lúc ấy, thật ra không quá khó khăn”. Ở đây, cần phải nói thêm một chút, đó là nếu ngày đó Vũ kết thúc 2 năm trung học ở UWC mà không được nhận học bổng toàn phần vào một trường đại học ở Mỹ, Vũ sẽ phải về Việt Nam vì không thể tiếp tục học với chi phí rất đắt đỏ. Và điều đó đồng nghĩa với việc, cậu sẽ phải học lại phổ thông. Mấy ai trong chúng ta có được sự dũng cảm và nhẹ nhàng như vậy, ở cái ngưỡng cửa của một đứa trẻ vị thành niên, đang loay hoay trước niềm tin dấn bước vào hành trình mới và sự an toàn đang ve vuốt đằng sau?

 

 

Vậy tính đến thời điểm này, Vũ có nghĩ là mình đã thành công phần nào? Thật ra là không. Vũ vui vẻ kể, các bạn du học sinh đôi khi có thói quen gọi nhau bằng tên cộng với tên trường, và đã có một lần Vũ nhờ một bạn không gọi mình bằng cái tên “Vũ Princeton” nữa. Một phần là vì sự khiêm nhường thường thấy, phần nhiều hơn là bởi với Vũ, những thành tích và kết quả vẫn chưa thể nói lên được điều gì khi bạn chưa thật sự hoàn thành được giấc mơ mình theo đuổi. “Tôi không nghĩ rằng, một người có thể định nghĩa bằng học bổng, bằng tên trường, hay bằng giải thưởng. Những học bổng và cơ hội ở đại học top đầu không có ý nghĩa gì, nếu tôi không biết biến những cơ hội này thành những hành động cụ thể trong tương lai và hoàn thành điều mình muốn làm”.

Bỏ học IT vì "Công nghệ cao có ý nghĩa gì đối với nhưng gia đình còn phải lo toan miếng ăn cho từng ngày?"

Vũ là một chàng trai có nhiều hoài bão, và nghĩ những thứ sâu sắc hơn là chuyện làm thế nào để có được học bổng này, được vào trường kia. Từng rất đam mê tin học và công nghệ, nhưng Vũ lại chọn đi tiếp trên con đường trở thành một nhà kinh tế học. “Thật ra mọi người hay nhầm giữa Kinh tế (Economics) và kinh doanh (Business). Môn kinh tế không phải học để làm giàu (tất nhiên, nếu hiểu rõ kinh tế thì có thể làm giàu được). Nghiên cứu kinh tế là để hiểu rõ hơn nền kinh tế vận hành thế nào, các doanh nghiệp có cấu trúc thế nào, thuế bao nhiêu là hiệu quả, làm sao để phát triển tốt, nợ công có vai trò và hậu quả gì, làm sao để ổn định nền kinh tế vĩ mô..vv.. “

 

 

“Tôi nghĩ môn kinh tế thú vị cũng giống như toán học, vật lý hay hoá học, vì tất cả đều cố gắng hiểu rõ hơn về bản chất của những thứ tồn tại trong cuộc sống. Ngoài ra, kinh tế còn có điểm hấp dẫn khác với tôi là yếu tố con người, đặc biệt là mảng kinh tế vĩ mô, vì mỗi chính sách kinh tế vĩ mô sẽ ít nhiều tác động đến cuộc sống của tất cả mọi người?”.

Vũ đến với môn kinh tế với mong muốn có thể góp phần, thật sự thay đổi cuộc sống của những người khó khăn. Chính cuộc sống ở Mỹ, ở UWC đã khiến Vũ tự nhìn ra xung quanh mình và nhận ra: “Có những bộ phận những người trong xã hội mà khái niệm “thay đổi” với họ không thể bắt đầu bằng công nghệ cao”.

Tôi muốn hỏi nhiều về bước ngoặt, khiến Vũ - từ một cậu học sinh đam mê IT, lại quyết định rẽ lối chọn học kinh tế. Vũ gửi cho tôi một bài tự thuật của cậu, có tựa: “Lối rẽ vẫn dưới chân mình”, nói về ngã rẽ đột ngột và thoạt tiên có vẻ mang nhiều thử thách hơn là thuận lợi này. Ở đoạn này, tôi xin trích đăng một phần trong bài tự thuật của Vũ, nói về bước ngoặt khi cậu quyết định trở thành một nhà Kinh tế thay vì một kỹ sư tin học.

 

 

“Vào tháng 11/2010, khi tôi phải đặt bút viết những bài luận cá nhân để kể với các trường đại học về bản thân, tôi liên tưởng nhiều hơn đến cuộc sống của người dân tỉnh Ninh Thuận, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Là một tỉnh nghèo, mặc dù tôi theo học ở những trường trung tâm thành phố, từ cấp 1 đến cấp 2 đều có những bạn nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình. Ở các vùng quê, những em còn trong tuổi đi học thường bị gửi đi “ở đợ” gia đình khác vì bố mẹ không đủ tiền cho con đi học.

Trong những bài luận đại học, tôi đã cố gắng rất nhiều để giải thích cụ thể những ước mơ công nghệ của tôi sẽ tác động như thế nào đối với những con người này, nhưng kết quả chỉ là những câu văn và những mối liên hệ miễn cưỡng. Tôi bắt đầu suy nghĩ, công nghệ cao có ý nghĩa gì đối với những gia đình còn phải lo toan miếng ăn cho từng ngày và những em học sinh mà học hết cấp 2 còn là một điều xa xỉ? Không chấp nhận được sự miễn cưỡng và những lý luận suông trong bài luận của mình, tôi đã viết lại những bài luận để cảm xúc và suy nghĩ thật hơn với bản thân. Trong những bài luận ấy, tôi đã viết về ước muốn trở thành một nhà Kinh tế.”

"Mãi đến bây giờ tôi vẫn nghĩ mình là một đứa không thông minh"

Thật ra, Vũ chưa bao giờ nghĩ mình là người học giỏi. “Nếu mọi người hỏi bạn bè của tôi hồi cấp 1, cấp 2, những người từng học tin học, chắc ít ai có thể khẳng định được rằng hồi trước tôi là người học giỏi nổi bật”. Vũ bẽn lẽn kể lại. Bằng một sự khiêm tốn xen lẫn hài hước,Vũ chia sẻ, cứ mỗi lần thấy mình kém hơn bạn bè, cậu lại cố gắng cần cù để bù lại. “Đúng như các cụ nói, cần cù bù thông minh đấy”.

 

Đã từng có những thời gian, Vũ nghĩ mọi chuyện rất đơn giản, và cũng có một thời gian, Vũ mất tin tưởng vào chính bản thân mình, khi tự nhận ra mình không phải là một đứa giỏi như mình đã nghĩ. Những lầm tưởng của một đứa trẻ lớp 5 về những giải thưởng tầm cỡ, rồi vỡ mộng khi thất bại liên tiếp sau đó và nhận ra rằng mọi thứ không dễ dàng đến thế. Có vẻ đó là một bài học mà ta thường học sau cái giai đoạn cấp 1, cấp 2 rất nhiều. Nhưng Vũ đã ở đó, đã trải qua và vượt qua nó. “Thực ra, những thất bại hồi cấp 2 khiến tôi mãi đến bây giờ vẫn nghĩ rằng mình là một đứa không được thông minh, vậy nên việc chăm chỉ tự trau dồi là vô cùng cần thiết”.

 

Vũ tin rằng, không có giới hạn cho bất cứ ai trong chúng ta, và việc cần làm là cứ tiến về phía trước và cố gắng hết mình. “Quan điểm của tôi về một người giỏi hay không là, tôi tin mỗi người có một giới hạn khả năng nhất định. Tuy nhiên, vì mình không biết giới hạn của mình ở đâu, thế nên tôi không bao giờ cho phép mình nghĩ rằng mình đã đạt đến giới hạn. Từ đó, tôi cứ cố gắng thôi”.

Tôi hỏi Vũ về gia đình, thường thì với nhiều người có thành tích học tập ấn tượng, sự tác động của gia đình là không hề nhỏ. Nhưng Vũ vui vẻ kể rằng, thật ra gia đình chẳng ai đặt gánh nặng lên cậu đâu. “Ở nhà bố mẹ tôi thường không kỳ vọng con cái phải được thế này, thế kia, mà chỉ muốn tôi sống vui vẻ, mạnh khoẻ là được”.

“Ngay cả những lần thất bại, tôi buồn vì mình đã làm thất vọng bố mẹ, ông bà và những người khác đã tin tưởng mình. Sau này tôi mới nhận ra, thật ra gia đình không ai thất vọng về tôi cả, miễn là tôi đã cố hết sức mình. Từ đó trở đi thì thất bại không còn là thứ gì ghê gớm nữa”.

Kết

Tôi nghĩ rằng, rất nhiều người trong chúng ta, dù đã học xong rồi hay vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường - có thể tìm thấy rất nhiều nguồn cảm hứng từ Vũ, những nguồn cảm hứng chẳng liên quan đến học tập. Tôi thích cách Vũ đón nhận những thử thách và cơ hội, tự lựa chọn tương lai của mình và không nao núng khi bước về phía trước. Nhưng điều tuyệt vời hơn cả, đó là Vũ khiến chúng ta nhìn thấy một mặt khác về các sinh viên trẻ, những người thật sự tìm được lý tưởng mà mình muốn theo đuổi, và nỗ lực hết mình để vươn tới mục tiêu mình mong muốn, sống tử tế và để lòng nhân ái tràn ngập trong trái tim.

Và tôi nghĩ đó là những phẩm chất mà chúng ta đã quên từ rất lâu…

 

Nguồn: kenh14.vn



Send mail   In trang
 
Các tin khác

DU HỌC - VISA EDUBRIDGE VIETNAM

Địa chỉ: Tầng 4, 18 Lê Lợi, Phường Vĩnh Ninh, TP. Huế

Email: edubridgevn@gmail.com

Điện thoại: 0234 3938 455 hoặc 0914 202 757

Fanpage: Du học - Visa EduBridge Vietnam

Website: edubridgevn.com

Lượt truy cập: 1492360 - Đang trực tuyến: 38