Hotline: 0914 202 757 | Liên hệ

NỮ SINH VIỆT 19 TUỔI CÓ DỰ ÁN NGHIÊN CỨU RIÊNG TẠI MỸ

Đặt ra cho mình nhiều mục tiêu và nỗ lực hoàn thành nó từ khi còn nhỏ tuổi, Nguyễn Ngọc Minh là một tấm gương năng động, tài giỏi của thế hệ trẻ Việt Nam. Nguyễn Ngọc Minh dành ra 4 tháng (tháng 11/2012 – tháng 2/2013) để hoàn thành viết đề án công trình "Nghiên cứu phản ứng của cá common killifish (Fundulus heteroclitus) và cá tuế (Cyprinodon variegatus) với các môi trường sống nước lợ". Trong tương lai cô bạn dự định sẽ theo học ngành hóa sinh tại ĐH Mount Holyoke ở bang Massachusetts, Mỹ. Trong thời gian nghỉ hè này, Minh sẽ thực tập tại bệnh viện Bạch Mai, đồng thời tìm hiểu thêm về ngành Dinh dưỡng.

 

 

Thông tin cá nhân

- Họ và tên: Nguyễn Ngọc Minh

- Sinh ngày 12/06/1994.

- Từng là học sinh lớp chuyên Sinh THPT Hà Nội - Amsterdam (2005-2010), trường St. Margaret's School, Virginia, Mỹ (2010-2013). Điểm trung bình môn GPA: 4.2/4.3

- Thành tích đạt được:

Đạt chứng nhận về thành tích học tập xuất sắc (Outstanding Academic Excellence) từ chương trình President's Education Awards của Tổng Thống Mỹ (năm 2013)

Giải Nhì TP. Hà Nội môn Sinh học năm 2009

Giải Nhất Essex Art Competition, phần Graphic Design (năm 2012)

- Hoạt động khác

Là thành viên của tổ chức National Honor Society.

Phiên dịch viên cho Liên hiệp thể thao dưới nước Việt Nam (từ năm 2011)

Từng làm việc tại phòng Công nghệ tế bào thực vật, viện Công nghệ sinh học Vệt Nam (IBT) (năm 2012)

Là trưởng dự án "Nghiên cứu phản ứng của cá killifish và cá tuế (minnow) với các môi trường sống nước lợ" (2012-2013)

Chủ tịch CLB Khoa học & Môi trường (2 năm) tại St. Margaret's School

Trường ban Quan hệ công chúng Triển lãm ảnh Chase Hanoi 2011, đồng Chủ tịch triển lãm ảnh Chase Hanoi 2012

- Sở thích: Du lịch bụi, đọc sách, làm đồ thủ công tái chế, chơi violin, đạp xe.

 

 

 

Tự mở đề tài nghiên cứu riêng, được trường Mỹ tài trợ kinh phí

 

Nguyễn Ngọc Minh dành ra 4 tháng (tháng 11/2012 – tháng 2/2013) để hoàn thành viết đề án công trình "Nghiên cứu phản ứng của cá common killifish (Fundulus heteroclitus) và cá tuế (Cyprinodon variegatus) với các môi trường sống nước lợ".

 

Đây là đề án nghiên cứu về hành vi và phản ứng của hai loài cá khác nhau trong cùng một họ với các điều kiện sống khác nhau. Nữ sinh Việt đã tự thành lập đề án, trình và xin tài trợ của nhà trường nước Mỹ để lấy vốn cũng như thiết bị và dụng cụ thực hiện nghiên cứu.

 

Trước đó, Minh đã từng tích luỹ nhiều kinh nghiệm làm việc trong môi trường nghiên cứu sinh học phân tử, với đối tượng nghiên cứu rất nhỏ (ADN, protein…) ở Mỹ và Việt Nam. Cô bạn rất yêu thích công việc nghiên cứu hoá sinh và không ngừng tìm hiểu qua mọi phương tiện thông tin.

 

Mục đích Minh mở ra đề tài này là muốn thử sức mình ở lĩnh vực Sinh học Vĩ mô, cụ thể là Sinh thái học, trước khi cô bạn quyết định theo đuổi ngành học nào và làm gì trong tương lai. Ngoài ra, Minh cũng muốn đóng góp sức mình cho ngôi trường và con sông Rappahannock (ngay cạnh trường) sau thời gian 3 năm gắn bó.

 
Minh làm việc tại phòng thí nghiệm Sinh Hoá
 

Minh đã làm nghiên cứu này một mình, tự túc hết tất cả các khâu từ dựng bể, lấy mẫu tới phẫu thuật, xét nghiệm… Hàng tuần trời, ngồi một mình trong phòng thí nghiệm giữa tiết trời đông giá rét, Minh ngồi dán mắt vào bể cá, cứ mỗi 30 giây lại phải đánh dấu vị trí của đối tượng (cá) vào sổ. Lặp đi lặp lại công việc này trong nhiều ngày ròng với những đối tượng tương tự nhau.

 

“Có những lúc mình tưởng sắp tự kỷ đến nơi vì công việc, xì trét khá nhiều. Nhất là khi phải mổ xẻ, phân tích nguyên nhân cái chết của những chú cá đã gắn bó với mình trong suốt thời gian dài. Đến khi kết thúc nghiên cứu, thả cá về môi trường tự nhiên, mình cảm thấy không nỡ xa chúng. Nhưng nhà trường quy định không được nuôi động vật trong ký túc xá nên mình đành phải thả”, Minh chia sẻ.

 

Gương mặt “uy tín” đối với những tổ chức hàng đầu

 

Ngoài yếu tố may mắn, việc Minh xin được tài trợ của trường để làm nghiên cứu, làm cộng tác tại Viện sinh học và phiên dịch cho Liên hiệp thể thao dưới nước đều nhờ vào khả năng “đi tắt đón đầu”.

 

Nữ sinh Việt và các bạn cùng lớp, cô giáo tại Mỹ

 

Minh kể: “Mình nhận được công việc phiên dịch đúng lúc bên đó tuyển người, nên mình được nhận làm luôn. Làm giải Bơi lội Đông Nam Á ở Đà Nẵng, rồi từ đó, mỗi khi Hè về nước, mình lại được gọi đi làm cùng cả đoàn.

 

Còn công việc ở Viện nghiên cứu là do mình tự nộp đơn xin tuyển. Mình chuẩn bị từ 1 năm trước, trình bày về nguyện vọng muốn học hỏi và nghiên cứu tại viện của mình để chuẩn bị ngành nghề sau này.

 

Tuy chỉ là học sinh cấp 3 nhưng mình học chuyên Sinh, đã tự chuẩn bị nhiều kiến thức chuyên ngành để không quá lạc lõng giữa môi trường làm việc chuyên nghiệp, khi các thực tập sinh khác đều là sinh viên năm cuối các ngành liên quan.

 

Ngoài ra, trước khi chính thức bắt đầu làm việc, cô chủ nhiệm đề tài có gửi cho mình rất nhiều tài liệu để đọc và dịch để tìm hiểu thêm về đề tài. Mình đã rất cố gắng để dịch thuật và học hỏi nên được đánh giá tốt".

 

Kinh nghiệm của Minh cho thấy các bạn học sinh muốn thực tập hoặc làm việc tại môi trường chuyên nghiệp nên chuẩn bị kĩ năng và kiến thức từ sớm và nên có một chiến lược cụ thể, đầu tư thời gian và công sức cho đam mê của mình.

 

Cùng các bạn mở triển lãm nghệ thuật chủ đề Hà Nội - Chase Hanoi, được GS. Ngô Bảo Châu ghé thăm ủng hộ

 

Ngọc Minh xinh đẹp trong một sự kiện cùng các du học sinh Việt tại Mỹ

 

Minh biết khá nhiều thứ tiếng song không lấy điều đó làm tự hào mà quan niệm rằng học để biết ngôn ngữ họ như thế nào, phục vụ cho nghiên cứu hoá sinh, y dược và tìm ra mối liên hệ chung giữa các các ngôn ngữ khác nhau, đặc biệt là các gốc từ Latin, gắn liền với tên khoa học của các đối tượng thí nghiệm.

 

Cựu nữ sinh trường Ams nói tốt tiếng Anh, hiểu được tiếng latin và tiếng Tây Ban Nha. Cô bạn hiện đang theo học tiếng Pháp và ngôn ngữ dấu hiệu (sign language).

 

Trong tương lai cô bạn dự định sẽ theo học ngành hóa sinh tại ĐH Mount Holyoke ở bang Massachusetts, Mỹ. Trong thời gian nghỉ hè này, Minh sẽ thực tập tại bệnh viện Bạch Mai, đồng thời tìm hiểu thêm về ngành Dinh dưỡng.

 

Luôn thèm cơm nhà

Minh cho rằng không chỉ mình bạn mà tất cả các du học sinh khác đều thèm cơm nhà. Thỉnh thoảng, cô bạn lại lụi cụi tự nấu ăn món Việt. Minh cũng lấy chủ đề này để viết trong bài luận gửi cho trường đại học, về việc bạn làm cơm mẻ nấu giả cầy khiến bạn cùng phòng tưởng Minh nuôi cấy sâu bọ (?!).

Cô bạn kể lại kỷ niệm cùng với các bạn Việt Nam rủ nhau làm bún đậu mắm tôm, phải ra ngoài bờ sông ăn vì sợ mùi, rồi lúc mang bát về rửa phải vừa đi vừa xịt nước hoa để dấu mùi.

Thời điểm Boston bị đánh bom, Minh cũng đang ở đó và trải qua khoảng thời gian đầy lo lắng. Tuy nhiên, cô bạn nghĩ rằng cuộc sống du học đã tạo lập cho mình tính tự lập, kiên trì và niềm đam mê.

 

Theo Mai Châm

 Dân trí Du học



Send mail   In trang
 
Các tin khác

DU HỌC - VISA EDUBRIDGE VIETNAM

Địa chỉ: Tầng 4, 18 Lê Lợi, Phường Vĩnh Ninh, TP. Huế

Email: edubridgevn@gmail.com

Điện thoại: 0234 3938 455 hoặc 0914 202 757

Fanpage: Du học - Visa EduBridge Vietnam

Website: edubridgevn.com

Lượt truy cập: 1453963 - Đang trực tuyến: 48