Hotline: 0914 202 757 | Liên hệ

DU HỌC MỸ: LÀM THẾ NÀO ĐỂ HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA NỔI BẬT TRÊN HỒ SƠ NHẬP HỌC

Làm thế nào để hoạt động ngoại khóa nổi bật trên hồ sơ nhập học? Ban tuyển sinh muốn thấy gì từ những hoạt động ngoại khóa? Tại sao hoạt động ngoại khóa quan trọng?... là những câu hỏi bạn nên đặt ra ngay từ khi bắt đầu làm hồ sơ du học Mỹ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hình dung và hiểu rõ hơn về các hoạt động ngoại khoá của bản thân đóng vai trò quan trọng như thế nào trong hồ sơ xin học bổng, tại sao 2 thí sinh có thành tích học tập như nhau, cùng tham những hoạt động ngoại khoá nhưng có thí sinh thì đạt học bổng, còn thí sinh kia thì không?...

 

 

 

Một trong những yếu tố rất quan trọng trong hồ sơ xin học bổng của bạn là các hoạt động ngoại khoá. Bạn tự hỏi “Vì sao đi học lại cần có những hoạt động ngoại khoá này làm gì? Việc học thì cần đầu óc thôi chứ?”. Câu trả lời là do sự khác nhau giữa hai nền giáo dục. Nếu giáo dục của nước ta tập trung vào việc phổ biến kiến thức thì giáo dục Hoa Kỳ luôn muốn phát triển con người toàn diện. Khi đi du học, bạn sẽ được yêu cầu làm việc theo nhóm, thuyết trình trước mọi người, tư duy logic và sáng tạo,… Những kĩ năng như lãnh đạo, nói trước đám đông, sự tự tin của bạn, khả năng hoà nhập,… đều rất quan trọng trong quá trình học của bạn. Nếu bạn thường xuyên tham gia công tác tổ chức ở trường, ở lớp, bạn sẽ có kĩ năng giao tiếp với mọi người, tăng cường sự tự tin và trở thành một người hoàn thiện hơn.

Bạn sẽ không ngại sống trong môi trường mới ở một đất nước mới, không e dè kiêng kị khi thể hiện bản sắc văn hoá, đem lại nhiều mầu sắc hơn cho trường đại học của mình. Chính vì thế, ban tuyển sinh sẽ tin tưởng hơn là khi trở thành SV ở trường họ, bạn sẽ đóng góp được nhiều hơn cho đời sống SV.

Vậy hoạt động ngoại khóa là gì?

Hoạt động ngoại khóa là các hoạt động nằm ngoài chương trình học chính khóa, thường mang tính chất tự nguyện hơn là bắt buộc. Bạn có thể tham gia hoạt động ngoại khóa ở lớp/trường hoặc ngoài xã hội với rất nhiều lựa chọn khác nhau: Thể thao, Văn hóa, Nghệ thuật, Tình nguyện, các câu lạc bộ/tổ chức… Hoạt động ngoại khóa đóng một vai trò quan trọng trong việc bổ sung các kĩ năng và kinh nghiệm sống cho bạn, giúp bạn trở thành một con người toàn diện và thú vị hơn.

Tại sao hoạt động ngoại khóa quan trọng?

Hoạt động ngoại khóa thể hiện bản thân bạn: bộ hồ sơ của bạn phải nói lên được bạn là ai, bởi vậy Ban tuyển sinh rất quan tâm đến con người “đằng sau những điểm số” của bạn. Hãy tưởng tượng một thí sinh với thành tích học tập tốt nhưng chỉ có những con số sẽ khiến họ thốt lên: “Thật nhàm chán!”. Hoạt động ngoại khóa chính là cơ hội để bạn thể hiện con người và những điểm mạnh của mình, cụ thể:

  • Bạn có những niềm đam mê và mối quan tâm gì và đã cống hiến hết mình như thế nào. Bạn có thể duy trì sự tận tâm lâu dài ra sao.
  • Bạn đã trưởng thành và học được khả năng tổ chức và lãnh đạo, khả năng quản lí và sử dụng thời gian hiệu quả, chứng minh bằng việc bạn vừa học tốt trên lớp, vừa tham gia tốt các hoạt động ngoại khóa, hoặc là các kĩ năng và trải nghiệm thực tế ngoài sách vở.
  • Bạn đã có những cống hiến ý nghĩa qua các hoạt động đó như thế nào. Từ đó, bạn sẽ có những đóng góp gì cho trường ĐH.

Các trường ĐH đều muốn tạo dựng một môi trường học tập đa dạng và phong phú, họ cũng coi trọng việc học ngoài lớp (từ môi trường và cộng đồng xung quanh) như việc học trong lớp. Vì vậy, họ cần các bạn HS-SV với những sở thích và hoạt động ngoại khóa khác nhau để đóng góp cho hàng trăm câu lạc bộ và chương trình ở trường. Mặt khác, chính những HS toàn diện này sẽ tận dụng tốt nhất các cơ hội ở trường ĐH để trưởng thành không chỉ về học tập mà còn về xã hội, văn hóa và nhân cách.

 

 

Đặc biệt, ở những trường có các chương trình học bổng cạnh tranh, nơi mà chất lượng học tập của các thí sinh khá đồng đều, thì hoạt động ngoại khóa (cùng với bài luận) chính là yếu tố quan trọng để Ban tuyển sinh đưa ra quyết định. Hầu hết các ban tuyển sinh đều coi trọng chất lượng hơn là số lượng. Một số hoạt động với sự tham gia và cống hiến lâu dài gây ấn tượng hơn nhiều so với một danh sách dài dằng dặc gồm rất nhiều các hoạt động khác nhau. Điều Ban tuyển sinh quan tâm là bạn có thực sự đam mê và tâm huyết với hoạt động đó không, và bạn đã có những cống hiến gì.

Sự cân bằng

Tuy nhiên, bạn cũng cần kết hợp chiều rộng với chiều sâu, vì điều đó chứng tỏ sự “toàn diện” của bạn. Ví dụ bạn tham gia một đội kịch, một câu lạc bộ Toán và chơi đá bóng thì bạn sẽ nổi trội hơn một thí sinh chỉ tham gia thể thao (đặc biệt là khi bạn chơi thể thao khá/giỏi nhưng không xuất chúng, thì nên thêm các hoạt động khác vào). Cũng giống như vậy, kết hợp các hoạt động trong trường lớp (các câu lạc bộ, Đoàn, hội, đội thể thao…) với các hoạt động ở nơi khác (tình nguyện, trại hè…) cũng chứng tỏ khả năng của bạn không chỉ bó hẹp trong phạm vi trường học mà vươn xa rất nhiều.

Khả năng lãnh đạo

Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi Ban tuyển sinh đánh giá hoạt động ngoại khóa của bạn. Thứ nhất, không nhất thiết bạn phải có các chức vụ để chứng tỏ điều đó, bạn chỉ cần nhấn mạnh những đóng góp đặc biệt của bạn. Thứ hai, khả năng lãnh đạo chỉ là một trong nhiều yếu tố mà ban tuyển sinh đánh giá. Và lãnh đạo ở đây không chỉ mang nghĩa chỉ huy hay điều hành. Bạn hãy tưởng tượng xem, nếu như trường A nhận vào 500 SV, và 500 người đều là muốn chỉ huy, thì lấy ai để làm thành viên? Lấy ai để trình diễn văn nghệ, nấu các món ăn quốc tế hay chơi thể thao? Hãy là chính bạn!

Bạn có thể gây ấn tượng mạnh với Ban tuyển sinh khi có một niềm say mê và tài năng đặc biệt trong một lĩnh vực nào đó, ví dụ như công nghệ thông tin, thể thao hay nghệ thuật…, hoặc nếu như hoạt động của bạn mới lạ và thú vị. Ban tuyển sinh rất thích thú với các hoạt động sáng tạo, mới mẻ và khác lạ, ví dụ như ảo thuật, mở cửa hàng bánh hay nuôi những con mèo bị bỏ hoang chẳng hạn (chỉ là một gợi ý thôi!).

Mặc dù hoạt động ngoại khóa quan trọng nhưng thành tích trên lớp, điểm số các kì thi chuẩn và năng lực học tập của bạn vẫn là những yếu tố quyết định trong quá trình tuyển sinh. Vì vậy đừng bị cuốn theo và tốn quá nhiều thời gian, bạn phải luôn nhớ rằng việc học vẫn là trên hết.

Làm những gì bạn thực sự yêu thích

Nguyên tắc vàng trong hoạt động ngoại khóa là bạn làm những gì bạn THỰC SỰ YÊU THÍCH. Đừng tham gia một hoạt động nào đó chỉ để làm đẹp cho hồ sơ của bạn, hay chẳng hạn đi tình nguyện chỉ vì bạn muốn gây ấn tượng với Ban tuyển sinh. Không có niềm đam mê thực thụ và sự trung thực, bạn sẽ chẳng đi đến đâu hết.

Tiến hành tham gia hoạt động ngoại khóa

Bước 1: dành năm đầu tiên ở cấp 3 của bạn để tham gia thử nhiều hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, sau đó tìm ra những hoạt động bạn yêu thích và có khả năng nhất. Bắt đầu sớm cũng giúp bạn có được các vị trí lãnh đạo.

Bước 2: sau khi đã tìm ra các hoạt động tâm huyết, bạn sắp xếp chúng vào thời khóa biểu và xem xét: với khoản thời gian bạn có thì tham gia tới mức độ nào. Hãy cố gắng gắn bó và tận tâm với các hoạt động bạn đã chọn.

Bước 3: tận dụng hiệu quả mùa hè của bạn để tham gia các trại hè, trại tình nguyện, các dự án, công việc làm thêm… hoặc bất kì một hoạt động mới mẻ nào bạn chưa từng thử.

Các thể loại hoạt động ngoại khóa

Sau đây là một số những gợi ý về các phong trào, hoạt động ngoại khoá mà bạn có thể tham gia.

Hoạt động thể thao: bạn có thể tham gia các đội tuyển bóng đá, bóng rổ, bóng bàn, cầu lông, cờ vua… của trường, tuỳ thuộc vào sở thích và khả năng của bạn. Ngoài ra bạn có thể luyện tập thể thao ngoài giờ học như đi bơi, tập thể hình, tham gia câu lạc bộ aerobic, chạy thể dục buổi sáng hàng ngày… Không nhất thiết là phải có một thành tích hay bằng khen, huy chương gì mới có thể liệt kê vào hồ sơ của bạn. Vì vậy bạn có thể sắp xếp thời gian luyện tập không quá căng thẳng phù hợp với lịch học tập của mình.

Hoạt động văn nghệ: bạn có tài ca hát, chơi nhạc cụ hoặc nhảy break dance, nhảy cổ điển và đã tham gia biểu diễn trước trường hoặc trong các dạ hội… Hoạt động văn nghệ thường rất phong phú và không đòi hỏi bạn phải có tài năng phi thường.

Hoạt động tổ chức – Leadership: bạn làm lớp trưởng, lớp phó, bí thư đoàn trường, bí thư lớp… Đó là những danh hiệu cá nhân có sức thuyết phục cho khả năng lãnh đạo của bạn. Tuy nhiên, không nhất thiết phải có một “danh hiệu” để bạn có thẻ là một người năng động, một nhà lãnh đạo đâu. Bạn có thể tham gia công tác đoàn trường, tổ chức các dạ hội, các chương trình giao lưu giữa lớp/khối trước trường,… Những công việc tổ chức này tập cho bạn cách làm việc có kế hoạch, có trách nhiệm và khả năng làm việc theo nhóm. Vì thế, đừng chỉ là những người tham gia cuộc vui, hãy là những người tạo nên cuộc vui.

Hoạt động từ thiện – Community Service: tham gia hoặc tổ chức các hình thức hoạt động từ thiện như đến thăm các trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam, đến thăm các bà mẹ Việt Nam Anh Hùng, vận động quyên góp tiền để ủng hộ từ thiện… Nếu bạn không thể thành lập được một tổ chức, hãy hoạt động một mình.

Tài năng: bạn giỏi thiết kế, bạn học vẽ từ nhỏ, bạn học thanh nhạc, bạn chơi nhạc cụ (guitar, piano, violin…) rất giỏi,… Những tài năng đặc biệt này phân biệt bạn với những applicant khác. Với những tài năng này, bạn sẽ rất dễ dàng “đóng góp cho campus” của trường trong tương lai, một lý do khiến các Ban tuyển sinh chọn bạn.

 

 

Làm thế nào để hoạt động ngoại khóa nổi bật trên hồ sơ?

Bước 1: lấy một tờ nháp và liệt kê TOÀN BỘ các hoạt động bạn đã từng tham gia

Bước 2: với mỗi một hoạt động hãy ghi những thông tin như tên hoạt động, tổ chức, chương trình, vị trí lãnh đạo của bạn và trách nhiệm, một dự án/sáng kiến nào đó bạn đã từng có và đạt hiệu quả cao…

Bước 3: sau khi có bảng trên, bạn sẽ chọn lọc ra những hoạt động có ý nghĩa nhất đối với bạn và bạn cũng có những đóng góp nhiều nhất, hay nói lên nhiều nhất con người của bạn. Hãy nhớ rằng chất lượng quan trọng hơn số lượng, và đừng quên làm nổi bật khả năng lãnh đạo của bạn.

Bước 4: trình bày những hoạt động bạn đã chọn trên hồ sơ, chú ý càng chi tiết càng tốt nhưng đừng quá dài.

Nếu như bạn đạt một giải thưởng nào đó thì đừng quên giải thích về nó và tại sao bạn lại đạt được. Bạn cũng có thể xin thư giới thiệu từ những người hiểu rõ hoạt động và đóng góp của bạn.

Kinh nghiệm làm việc (Work Experience): Nếu bạn từng làm bồi bàn ở 1 quán ăn, làm gia sư cho các em nhỏ, đi phát tờ rơi hay dịch tài liệu cho tổ chức nào đó, đừng quên đề cập cụ thể vào mục này, nó sẽ có những ảnh hưởng nhất định.

Liệt kê các thành tích này và in ra, nhờ thầy cô hiệu trưởng/hiệu phó/chủ nhiệm kí xác nhận và lấy dấu của trường và gửi tờ giấy đó đi.

 

Theo Việt Nam Hợp Điểm



Send mail   In trang
 
Các tin khác

DU HỌC - VISA EDUBRIDGE VIETNAM

Địa chỉ: Tầng 4, 18 Lê Lợi, Phường Vĩnh Ninh, TP. Huế

Email: edubridgevn@gmail.com

Điện thoại: 0234 3938 455 hoặc 0914 202 757

Fanpage: Du học - Visa EduBridge Vietnam

Website: edubridgevn.com

Lượt truy cập: 1279148 - Đang trực tuyến: 17