Giai đoạn 1: Là thời gian vui nhất trong quãng đời du học. Những ngày đầu, những tuần đầu, các em thường bị choáng ngợp với nền văn hóa mới, mọi cái đều được nhìn qua một lăng kính màu hồng. Các em thường cảm thấy đây là đất nước tuyệt vời, mọi thứ đều rất hay nên không ngớt lời khen. Lúc này, các em chưa cảm thấy buồn và nhớ nhà. Trường mới, bạn mới, văn hóa mới…cái gì cũng hay cái gì cũng thích. Cuộc sống mới tự do hơn cũng làm tăng thêm sự hào hứng, háo hức. Một số bạn trẻ có những ước mơ và quyết tâm lao vào học tập, tham gia các hoạt động trong môi trường sống mới để thể hiện bản thân…
Giai đoạn 1 - Giai đoạn Hồng Hoa
Giai đoạn 2: Đến lúc này những khác biệt về văn hóa bắt đầu dần làm cho các du học sinh cảm thấy có những khó chịu và lạc lõng. Những khó khăn nhỏ nhặt cũng có thể làm các bạn tủi thân, dễ bị nản lòng, dễ có tâm trạng chán chường. Nhiều bạn dần thấy được những mặt chưa tích cực của xã hội mới này, thấy được ‘’mặt sau của bức tranh thêu’’. Những phiền toái của khác biệt văn hóa cũng xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày và nhiều bạn sẽ nhận ra rằng nhà mình vẫn là nơi dễ chịu nhất.
Giai đoạn 2 - Giai đoạn Bão Táp
Giai đoạn 3: Du học sinh sẽ cảm thấy nhớ nhà, nhớ quê hương nhất. Một số bạn có cảm giác trái ngược hoàn toàn với những ấn tượng tươi đẹp lúc ban đầu khi mới đặt chân tới một đất nước xa lạ. Có bạn còn trở nên ghét văn hóa phương Tây, từ đồ ăn đến phong cách sống. Tất cả làm bạn thấy quá khác biệt và khó chịu. Vì vậy, các bạn thường cố tìm tới những du học sinh như mình để được nói tiếng Việt, cùng nấu ăn các món Việt Nam và cùng chuyện trò, cùng cảm nhận về quê hương…
Giai đoạn 3 - Giai đoạn Chùm Khế Ngọt
Giai đoạn 4: Sau một thời gian sống, học tập, giao lưu văn hóa với thầy, với các du học sinh đến từ nhiều đất nước, nhiều nền văn hóa khác nhau, mỗi du học sinh sẽ có những cảm nhận về văn hóa, sẽ cảm thấy hứng thú và mong muốn khám phá chính những sự khác biệt về văn hóa đó. Các bạn sẽ thấy được rằng mỗi nền văn hóa đều có những cái hay và cái dở. Bạn cũng có thể thấy tự hào về một số nét đẹp và độc đáo của chính nền văn hóa Việt Nam. Lúc đó, có thể bạn sẽ thấy rằng mình may mắn được du học nước ngoài để có được một cái nhìn tổng thể, nhìn từ hai phía. Trong con người bạn cũng sẽ dần có yếu tố pha trộn của cả hai nền văn hóa.
Giai đoạn 4 - Gian đoạn Thời gian là vàng
Giai đoạn 5: Đây là giai đoạn cuối và cũng là giai đoạn dài nhất. Hầu hết, các du học sinh đã có thể làm chủ được cuộc sống của chính mình. Các bạn sẽ có tâm lý ổn định hơn, hiểu được những gì là quan trọng và cần thiết cho mình, có ít nhiều kinh nghiệm trong việc xử lí những khủng hoảng về cảm xúc trong những năm tháng xa nhà. Các bạn thường dễ chấp nhận hơn các rủi ro, những điều không hay luôn có thể xuất hiện hàng ngày. Các bạn không còn quá bận tâm vào những chuyện nhỏ, những mâu thuẫn do khác biệt văn hóa vì đã có thể thanh lọc những cái hay cái dở của mỗi nền văn hóa. Trong giai đoạn cuối này thì một câu hỏi lớn thường xuất hiện và choáng nhiều suy nghĩ của các học sinh đó là: Học xong rồi, mình sẽ ở đâu?
Giai đoạn 5 - Giai đoạn Tìm một con đường
Lời khuyên của chúng tôi cho những bạn đang có ước mơ đi du học, ngoài trang bị kiến thức và ngôn ngữ, các bạn cần tập có một cuộc sống tự lập, ít nhờ vả người thân, tự biết đưa ra mục tiêu cho chính bản thân và lập kế hoạch hoàn thành mục tiêu..., nhớ là, ba mẹ hay người thân quen không ở bên cạnh bạn để giúp bạn. Tìm hiểu kỹ về văn hóa con người nơi bạn sẽ đến là những điều rất cần thiết!