Vất vả, tốn thời gian, ảnh hưởng đến việc học hay khó khăn trong vấn đề giao tiếp… là những khó khăn mà du học sinh nào khi đi làm thêm cũng vấp phải.
Dù đi du học theo diện tự túc hay học bổng, bất cứ du học sinh nào khi đặt chân đến vùng đất mới cũng muốn tìm cho mình một công việc làm thêm, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa cải thiện vốn ngoại ngữ, vừa hiểu thêm văn hóa bản địa.
Việc làm thêm là một trong những vấn đề hàng đầu được quan tâm của các bạn trẻ trước khi đi du học. Tuy nhiên, có những khó khăn mà không phải ai cũng có thể hiểu được nếu không đặt mình trong hoàn cảnh của một du học sinh.
Chạy đua với thời gian
Việc học tập ở nước ngoài thực sự rất khác biệt so với Việt Nam, lối giảng dạy cũng như lượng kiến thức mới, khổng lồ khiến nhiều du học sinh gặp khó khăn. Nếu còn đi làm thêm, nhiều bạn đã phải chạy đua với thời gian từng giờ, từng phút để có thể kịp giờ lên lớp, giờ đi làm.
Nếu như ở Việt Nam bạn có thể thoải mái phóng xe máy đến chỗ làm sau giờ học, thì ở hầu hết các nước phương Tây, nhiều khi bạn phải mất hàng tiếng đồng hồ để đợi tàu điện hay xe buýt.
Tình trạng trễ xe bus hay tàu điện xảy ra khá thường xuyên đối với du học sinh
Nhật Tiến, du học sinh tại Mỹ chia sẻ: “Ở Mỹ yêu cầu khá cao về khả năng cũng như thời gian tự học (trung bình một giờ ở trường cần hai giờ tự học). Luật của Mỹ quy định du học sinh chỉ được phép làm thêm trong trường không quá 20 giờ/tuần.
Muốn làm việc thêm ở ngoài, bạn có thể xin giấy phép nhưng tối đa chỉ 12 tháng, và bắt buộc làm những công việc liên quan đến ngành mình đang học. Mặc dù đã căn chỉnh thời gian, nhưng giao thông ở Mỹ khá phức tạp, nhất là giờ cao điểm nên mình hay bị trễ học do đi làm về muộn hoặc ngược lại”.
Một điều đặc biệt là ở nước ngoài, giờ nghỉ trưa rất ngắn, chỉ từ 30 phút đến 1 tiếng. Nhiều du học sinh chưa quen với việc này nên thường ngủ trưa quá cả giờ lên lớp.
Bố mẹ ở Việt Nam lo lắng
Bố mẹ nào khi cho con mình ra nước ngoài du học cũng muốn có thể thay đổi được hoàn cảnh sống, có môi trường tốt hơn để học tập. Nhưng nhiều bậc phụ huynh cũng thấp thỏm đứng ngồi không yên khi biết tin con mình đi làm thêm ở nơi đất khách quê người.
Du học sinh tại Singapore Lê Thị Ngọc Vân
Lê Thị Ngọc Vân, du học sinh tại Singapore cho biết: “Mình đang làm nhân việc phục vụ cho một nhà hàng 3-5 buổi một tuần. Gia đình rất lo lắng khi biết tin mình vừa học vừa làm ở đây vì sợ ảnh hưởng đến việc học. Mình đã phải động viên bố mẹ rất nhiều để họ yên tâm, đồng thời cũng cố gắng đảm bảo tốt việc học ở trường”.
Đã xác định đi làm thêm buộc bạn phải bớt thời gian ngủ nghỉ và cả việc học của mình lại, việc cân bằng những điều này một cách hiệu quả không phải ai cũng thực hiện được. Giữ được một trạng thái sức khỏe ổn định và phong độ học tập tốt để gia đình ở Việt Nam yên tâm là điều tiên quyết mà mỗi du học sinh cần làm.
Bị đuổi vì kém ngoại ngữ
Cộng đồng du học sinh Việt tại Anh
Nhiều bạn du học sinh tự hào vì mình sở hữu bằng IELTS, TOEIC, TOEFL điểm cao nhưng khi đặt chân đến đất nước bản địa vẫn vấp phải khó khăn trong việc giao tiếp.
Khi được hỏi, Phùng Thị Ngọc Hân, du học sinh tại Anh, vẫn tỏ ra tiếc nuối: “Mình sang Anh 3 tháng là kiếm được một công việc làm thêm khá ưng ý ở một tiệm đồ ăn châu Á, những ngày đầu mình đảm nhận công việc lau chùi bàn ghế và rửa chén bát nên không cần giao tiếp nhiều.
Nhưng sau khi được giao việc ở quầy lễ tân thì mình hoàn toàn “cứng họng” vì không thể nói được câu nào hoàn chỉnh với khách, trước đây mình tập trung học ngữ pháp nên bây giờ khi giao tiếp mình hoàn toàn bị động".
Sự chuẩn bị kĩ lưỡng về ngôn ngữ trước khi đi du học thật sự rất quan trọng để giúp bạn có được một công việc làm thêm như ý. Đừng để mình phải lỡ mất cơ hội vì khả năng giao tiếp kém hay thiếu tự tin.
Tạm kết
Bên cạnh đó, những khó khăn tuy không thường xuyên gặp phải nhưng cũng trở thành một trong những mối lo ngại lớn của các bạn du học sinh như bị lừa đảo, bị bắt làm những công việc nặng nhọc với những đồng lương ít ỏi, bị cạnh tranh với những người bản địa…
Đối với những du học sinh theo diện học bổng, khi mọi vấn đề chi tiêu, học phí không phải lo lắng, việc đi làm thêm chỉ nhằm tích lũy thêm kinh nghiệm, giao lưu học hỏi. Ngược lại, những bạn du học sinh theo diện tự túc, mọi chi tiêu hằng ngày đều do gia đình ở Việt Nam phụ cấp, nên đi làm thêm giúp họ gánh đỡ phần nào nỗi lo của bố mẹ, đồng thời cũng mang trên mình trách nhiệm cũng như nhiều vất vả hơn.
Có đi du học mới thấy được vốn hiểu biết và khả năng của mình thật nhỏ bé, được tiếp xúc với nhiều người, nhiều hoàn cảnh, được thấm thía đồng tiền mồ hôi cơ cực mình làm ra.
Khi đi rồi mới nhận ra rằng lúc ở Việt Nam mình sống sướng như thế nào trong sự che chở của bố mẹ, bạn bè, qua vùng đất mới, một thân một mình bươn chải vừa phải lo kiếm tiền, vừa phải lo học, cực đủ đường.
Theo: Duhoc.dantri.com.vn