Thông tin cá nhân
Họ và tên: Phan Thị Cẩm Tú
Sinh năm: 1987
Hoạt động và thành tích nổi bật:
- Tốt nghiệp trường Đại học Kiến Trúc TPHCM năm 2010 ngành Thiết kế thời trang.
- Top 10 vòng chung kết Triumph International Award tại London tháng 10 năm 2010.
- Giảng viên khoa Thiết kế thời trang tại trường đại học Kĩ thuật và Công nghệ Hutech – TPHCM từ năm 2012 đến năm 2014.
- Sang Nhật từ năm 2014, vào học tại học viện thời trang Ueda College of Fashion tại Osaka, khoa Fashion Creator Advance khóa 2 năm, sẽ tốt nghiệp vào tháng 3 năm 2017.
- Tham gia vòng chung kết cuộc thi Osaka Styling Expo tháng 11 năm 2015
- Giải thưởng lớn Grand Prix Prize tại cuộc thi Tokyo New Designer Fashion Grand Prix 2016.
Tokyo New Designer Fashion Grand Prix 2016 được coi là cuộc thi thiết kế thời trang uy tín bậc nhất tại Nhật Bản.
Giải nhất cuộc thi Thiết kế thời trang danh giá bậc nhất Nhật Bản
Tokyo New Designer Fashion Grand Prix 2016 (cuộc thi lâu đời, uy tín bậc nhất, đã từng được NTK Jean Paul Gaultier đứng trong hội đồng giám khảo nhiều năm liền) luôn là mơ ước của Tú, cũng như rất nhiều nhà thiết kế trẻ trên khắp thế giới. Cuộc thi đề cao những bộ sưu tập, ý tưởng, concept và kỹ thuật thiết kế tiên phong, độc đáo.
Bên cạnh đó, cuộc thi còn là nơi ươm mầm những nhà thiết kế chất lượng nhất cho Nhật Bản, do vậy những thí sinh vào vòng chung kết được xem như một sự đảm bảo cho vị trí trong ngành công nghiệp thời trang sau khi tốt nghiệp.
Tú đã vượt qua 24 thí sinh nổi bật khác ở vòng chung kết (được chọn lọc từ 6.672 bài dự thi đến từ các học viện thời trang toàn nước Nhật và 9 quốc gia khác), giành giải Nhất cho sự toàn diện về kĩ thuật và ý tưởng, chủ đề mang ý nghĩa sâu sắc.
Bước vào vòng chung kết, Tú mang đến bộ sưu tập có chủ đề (concept) Kintsugi để thuyết trình và trình diễn ở Tokyo Fashion Week. Tú cho biết, đây là tên một nghệ thuật truyền thống của Nhật bản – sửa chữa lại những mảnh đồ gốm bị vỡ bằng kim loại quý như vàng, bạc, bạch kim, mang ý nghĩa: Những vết sửa chữa và hàn gắn được tôn vinh như một phần lịch sử của đồ vật chứ không phải là một cách che đậy.
Điều này tương tự như triết lý Wabi-sabi: vẻ đẹp của sự phù du và tính bất toàn, sự vô thường của cuộc đời, trong đó bao gồm thái độ chấp nhận sự thay đổi và số phận như một khía cạnh của cuộc sống con người. “Đồ gốm cũng như con người, theo thăng trầm của thời gian, dễ vỡ khi chịu sự va đập của cuộc đời, phải chấp nhận bản thể nứt gãy đó như nó vốn có”, Tú chia sẻ.
Từ đó, với kỹ thuật rập 3D, cô gái sinh năm 1987 tạo nên một tác phẩm có phom dáng như những chiếc bình gốm được ghép nối các mảnh vỡ vào nhau một cách ngẫu hứng nhưng cũng đầy logic, nghệ thuật, với chỉ vàng bằng kĩ thuật móc-crochet.
Do tác phẩm được làm hoàn toàn bằng tay nên Tú mất khoảng hai tháng để hoàn thiện, trong đó, khâu tìm kiếm chất liệu phù hợp với phom dáng, sao cho tác phẩm có cảm giác mộc mạc, mà vẫn lung linh của những chiếc bát gốm vỡ khiến cô mất rất nhiều công sức.
“Tôi đã phải thử nhiều chất liệu khác nhau. Sau khi tìm được loại phù hợp lại xử lý để chất liệu ấy tạo được phom dáng mong muốn, và cuối cùng là thêu và móc ráp hoàn chỉnh”, cô tâm sự.
Tú cho biết, giám khảo chính của cuộc thi đã nhận xét rằng: Điều giúp cô vượt qua tất cả các bài thi chính là chủ đề rất sâu sắc và có ý nghĩa đối với văn hóa Nhật Bản, hơn nữa về tổng thể và kĩ thuật thực hiện đã hoàn toàn lột tả được ý nghĩa của concept ấy.
Họ rất bất ngờ vì một du học sinh đến từ Việt Nam lại có thể làm ra một tác phẩm dự thi lấy ý tưởng từ chính nghệ thuật truyền thống Nhật Bản xuất sắc đến như vậy.
“Tôi dâng trào niềm tự hào vì mình là người Việt Nam. Tôi là người Việt Nam đầu tiên trong lịch sử tham gia và đoạt giải thưởng cao của cuộc thi lớn nhất Nhật Bản, vượt qua tất cả các thí sinh đến từ các học viện thời trang danh tiếng khác. Đây là giải thưởng mà bao nhiêu sinh viên Nhật Bản cũng như các quốc gia khác đều muốn hướng đến”.
Cô cũng là nhà thiết kế đầu tiên của Việt Nam giành được giải thưởng uy tín này.
Đến với cuộc thi này, Tú chỉ kỳ vọng được vào vòng chung kết, nên đã rất bất ngờ khi tên mình được xướng lên sau cùng. “Tôi thực sự trân trọng sự đánh giá khách quan và công tâm của ban giám khảo.
Sau khi đoạt giải, nhiều người đã hỏi thăm tôi về Việt Nam, họ khen người Việt Nam khéo léo, siêng năng, thức ăn Việt Nam ngon,… và tôi nghĩ họ cũng đã có cái nhìn khác về người trẻ cũng như sự phát triển của Việt Nam qua cuộc thi này”, Tú bày tỏ.
Theo đuổi giá trị bền vững chứ không chạy theo xu hướng
Tú đến với thời trang từ những ngày còn nhỏ, chỉ đơn giản là qua việc ngắm nghía, quan sát và phụ mẹ may vá quần áo cho cả nhà. Đối với Tú, thời trang là những gì phù hợp với chính mỗi con người, phù hợp hoàn cảnh, không chỉ là quần áo, nó còn là phong cách sống.
Có một câu Tú rất tâm đắc: "The most important things to wear is a smile!" - “Tôi vẫn nghĩ tinh thần của một người quan trọng hơn những gì người đó khoác lên bên ngoài. Thực sự mà nói tôi không thích thời trang với định nghĩa là những gì thời thượng, hào nhoáng, xu hướng...
Đến với thời trang, tôi thích danh xưng là dress maker - như một nghệ nhân thủ công, hơn là một fashion designer. Tôi không thích và cũng không muốn chạy theo xu hướng. Cái tôi muốn tạo ra là những vẻ đẹp có giá trị bền vững”.
Và với Tú, 3 điều tạo nên vẻ đẹp có giá trị bền vững chính là: một là sự bất toàn, những thứ không hoàn hảo, nhuốm màu thời gian, tối giản và bền vững; hai là gần gũi với thiên nhiên, mang màu sắc của tự nhiên; ba là tính thủ công, tạo ra bởi chính bàn tay con người. Ba điều này tạo nên vẻ đẹp có giá trị bền vững.
Cảm hứng thời trang đến với Tú thường rất tự nhiên, nhưng cũng thể hiện quá trình tìm tòi, trau dồi, trải nghiệm bản thân của cô. Đó có thể là những chuyến đi, những quyển sách về một kĩ thuật chế tác truyền thống nào đó của các dân tộc trên thế giới, hoặc là những người thú vị, hay ho cô gặp tình cờ trên đường.
Và sắp tới, sau khi hoàn thành học kỳ còn lại vào đầu năm 2017, Tú sẽ thực hiện chuyến đi Pháp và dự định tham quan các nước Châu Âu. Sau đó, cô tiếp tục theo đuổi đam mê thời trang và những giá trị bản thân luôn ấp ủ, tâm niệm.
Một số hình ảnh về bản phác thảo sản phẩm dự thi của Cẩm Tú.
Từ đó, với kỹ thuật rập 3D, cô gái sinh năm 1987 tạo nên một tác phẩm có phom dáng như những chiếc bình gốm được ghép nối các mảnh vỡ vào nhau một cách ngẫu hứng nhưng cũng đầy logic, nghệ thuật, với chỉ vàng bằng kĩ thuật móc-crochet.
Do tác phẩm được làm hoàn toàn bằng tay nên Tú mất khoảng hai tháng để hoàn thiện, trong đó, khâu tìm kiếm chất liệu phù hợp với phom dáng, sao cho tác phẩm có cảm giác mộc mạc, mà vẫn lung linh của những chiếc bát gốm vỡ khiến cô mất rất nhiều công sức.
“Tôi đã phải thử nhiều chất liệu khác nhau. Sau khi tìm được loại phù hợp lại xử lý để chất liệu ấy tạo được phom dáng mong muốn, và cuối cùng là thêu và móc ráp hoàn chỉnh”, cô tâm sự.
Tú cho biết, giám khảo chính của cuộc thi đã nhận xét rằng: Điều giúp cô vượt qua tất cả các bài thi chính là chủ đề rất sâu sắc và có ý nghĩa đối với văn hóa Nhật Bản, hơn nữa về tổng thể và kĩ thuật thực hiện đã hoàn toàn lột tả được ý nghĩa của concept ấy.
Họ rất bất ngờ vì một du học sinh đến từ Việt Nam lại có thể làm ra một tác phẩm dự thi lấy ý tưởng từ chính nghệ thuật truyền thống Nhật Bản xuất sắc đến như vậy.
“Tôi dâng trào niềm tự hào vì mình là người Việt Nam. Tôi là người Việt Nam đầu tiên trong lịch sử tham gia và đoạt giải thưởng cao của cuộc thi lớn nhất Nhật Bản, vượt qua tất cả các thí sinh đến từ các học viện thời trang danh tiếng khác. Đây là giải thưởng mà bao nhiêu sinh viên Nhật Bản cũng như các quốc gia khác đều muốn hướng đến”.
Nguồn: Dantri.com.vn