Hotline: 0914 202 757 | Liên hệ

MANG TẾT DU XUÂN BỐN PHƯƠNG

Tết nằm ngay trong lòng tôi, khi tôi đã mang quê hương trong mình. Và rồi bất kể phương trời nào tôi đến, tôi cũng có thể mang Tết bên mình, cùng du xuân và lan tỏa bốn phương.

 

"Em có biết khi một viên đá được ném xuống hồ, cả mặt hồ dậy sóng là vì đâu không? Không phải ở tại viên đá, tại mặt nước, mà cái chính là ở sự lan truyền! Vòng tròn nước đầu tiên gần viên đá nhất sẽ bị 'đá' đầu tiên. Rồi vòng tròn này sẽ 'đá' tiếp vòng tròn nước thứ hai rồi cứ thế vòng tròn hai 'đá' vòng tròn ba, tiếp tục cho đến khi cả mặt hồ không còn yên ả được nữa. Càng nhiều viên đá ném xuống, sự lan truyền càng mạnh. Em bây giờ không còn đơn thuần là cô sinh viên tên Phụng đến từ Bình Định nữa, em là một người Việt Nam!”.

Trong cảm xúc lâng lâng còn dư lại của ly rượu sâm panh chúc mừng năm mới 2015 vào khoảnh khắc giao thừa lúc nãy cùng các bạn đồng nghiệp, tôi miên man nhớ lại lời chia sẻ của thầy Kỳ, vị trưởng Khoa Địa Chất-Dầu Khí đáng kính của chúng tôi mùa thu năm nào khi tôi lần đầu đi du học.

Đã 5 năm trôi qua! Tôi bắt đầu lật lại những dòng ký ức về những cái Tết đã trôi qua của thời tuổi đôi mươi, nơi quê nhà, nơi đất khách.

Những ngày vào học đại học ở Sài Gòn là những ngày đầu của tuổi mười tám, đôi mươi. Ở cái tuổi này, tôi có cảm giác con người ta như muốn xé toạc những rào cản, đập phá những quy củ giới hạn để chứng tỏ bản lĩnh, sức mạnh của mình. Tôi đã muốn tự thách thức mình bằng những cái Tết xa nhà, xa gia đình. Tôi đã tin dù bất cứ nơi đâu, tôi vẫn có thể tạo ra cái Tết cho chính mình. Cơ hội rồi cũng đến!

Tận dụng những năm tháng du học ở Hàn Quốc, dù chẳng bao giờ biết chuyện bếp núc, tôi đã cố tìm mọi cách để tạo ra những mâm Tết đủ đầy quây quần cùng những anh chị em du học sinh khác. Không khí chuẩn bị trước Tết của du học sinh rất hào hứng, sôi nổi.

Bữa tiệc chào đón năm mới cũng rộn ràng vui tươi khi mà cái tụi “thứ ba học trò” chụm đầu vào nhau. Nhưng tiệc vui rồi cũng tàn. Ở khoảnh khắc ai về nhà nấy, bước về trong tiết trời đông giá lạnh, nơi gác trọ một mình, tôi mới trào dâng cảm giác trống rỗng lạnh lẽo, thấm thía nỗi nhớ nhà da diết.

Gào lên với cái ngông nghênh ngốc nghếch của mình, thời điểm bước sang tuổi 24 năm ấy, tôi nhận lấy một bài học đắt giá cho sự kiêu ngạo của mình. Nhưng đó cũng là thời điểm tôi cảm thấy tâm hồn mình được như được khai sáng trở lại. Tôi tìm ra nỗi trăn trở bấy lâu, ý nghĩa của Tết. Quệt đi những dòng nước mắt, tôi cầm bút nghệch ngoạch dòng chữ tạc dạ trong quyển sổ tay của mình, khắc cốt ghi tâm:

"Tết là gì hở Mẹ? Tết là quê hương, con gái à!” (Seoul, 1h sáng ngày 1.1. 2012 Âm Lịch)

 

Tết 2012 của Hội sinh viên Việt Nam tại trường Sejong, Seoul Hàn Quốc. Ảnh tác giả cung cấp

Như tìm được mạch suối nguồn quê hương, tim tôi được sưởi ấm lại. Những vết thương lòng do mình tự cào xé, những nỗi đau do mình tự gánh gồng, đấu tranh để chứng tỏ bản lĩnh những năm tháng đầu đời cũng được xoa dịu lại. Quá khát khao trải nghiệm những cái Tết xa nhà, tôi đã không nhận ra rằng tôi đang đẩy quê hương mình ra xa, đang ruồng bỏ quê hương của chính mình. Chẳng ai dại đi chứng minh sức mạnh của mình, với nơi mình chôn nhau cắt rốn cả.

Năm sau đấy tôi trở về nhà sau khi hoàn tất chương trình học, cái Tết với tôi không còn nhàm chán và đầy những áp lực hay mệt mỏi như trước nữa. Những chiếc bánh chưng, những đòn bánh tét hay các món mứt ngọt lịm giờ cũng trở nên quyến rũ hơn.

Tôi đón lấy cái Tết với vẻ trong trẻo vui tươi như thời thơ bé, nhưng cũng đầy chiều sâu sau hai cái Tết nơi xứ người. Nhưng dường như với người ở nhà, tôi cảm thấy sau hai cái Tết đấy mọi thứ cũng không có gì đổi thay. Bởi tôi không nhớ từ bao năm nữa, có lẽ từ lúc bê tông hóa đường làng, không khí Tết nhà tôi không còn ngọt ngào nữa mà cũng trở nên “bê-tông” hóa.

Không còn những bếp lửa hồng, không còn những mùi bánh, mùi mứt ngào ngạt như năm nào. Con cái lớn lên mỗi đứa cũng tất bật đổ về những thành phố lớn đi học đi làm. Những ngày Tết cũng vội về vội đi, còn đâu thời gian để chuẩn bị Tết như ngày nào. Các cửa hàng bánh mứt bây giờ cũng phát triển rầm rộ. Hà cớ chi! Tôi nhìn thấy trong mắt những người lớn đầy trĩu những thờ ơ, hầu mong cho những ngày Tết trôi qua nhanh chóng. Tôi quyết tâm mang “hồn quê” thổi lại vào chính nơi quê hương mình.

Chuẩn bị nguyên vật liệu sẵn sàng, tôi đợi mấy đứa cháu theo anh chị tôi về quê ăn Tết. Gom tụi nhỏ lại, tôi bày biện gói bánh chưng, rủ tụi nó làm mứt gừng, mứt dừa. Đứa cháu lớn nhất của tôi lúc đó cũng chỉ tầm lên 6, nên chủ yếu nghịch là chính. Nhưng cứ nhìn đôi ánh mắt say mê của chúng khi nhìn tôi cuộn nào nếp nào đậu nào thịt vào những tàu lá chuối, rồi thì đôi bàn tay nhỏ bé cố gắng quấn quáp các kiểu để gói được các nguyên vật liệu vào trong hay cái vẻ háo hức chờ nồi mứt kẹo lại, nhón tay lấy vài sợi dừa xanh đỏ cho vào miệng, tôi lại thấy chính mình của ngày trước. Không khí Tết những cũ như được trở lại, ba má tôi không khỏi ngạc nhiên ở đứa con gái Út của mình ngày nào.

Duyên phận lại đưa tôi đến Edinburgh làm du học sinh lần nữa, ngay đúng trước Tết 2014 vài ba tuần. Cộng đồng người Việt ở đây chỉ “lác đác tiều vài chú”, chủ yếu là lần đầu du học hoặc cũng chưa gói bánh chưng bao giờ, ngay cả nguyên vật liệu cũng thiếu thốn! May mắn có chút kinh nghiệm tôi học lỏm được hồi tổ chức Tết ở Hàn, cùng nhau chúng tôi cũng có cái Tết ý nghĩa, ấm lòng trong lòng mỗi người con xa xứ trên mảnh đất Tây phương này.

 

Tết Việt ở Edinburgh 2014. Ảnh tác giả cung cấp

 

Thêm cái Tết nữa lại đến nơi xứ sở sương mù UK này, Tết 2015. Một năm hai tuần sống ở đây, tôi có thêm cơ hội kết nối nhiều bạn du học sinh và gia đình Việt tại đây. Tôi lại có dịp chia sẻ kinh nghiệm gói bánh nghiệp dư của mình cho các bạn mới, các gia đình mới.

Dù vẫn phải đi học đi làm theo lịch Tây nên chỉ có thể tranh thủ chuẩn bị những ngày cuối tuần, tối muộn hoặc tờ mờ sáng. Nhưng cùng nhau, chúng tôi cũng đón những cái Tết đầy ắp tình người, rộn ràng những tiếng cười, kéo dài từ ngày đưa ông Táo về trời.

Tết xa nhà với người Việt cũng đã nhiều, lại cảm thấy mình như đã đủ đầy hồn Việt, tôi quyết định “lan tỏa” cái Tết đến những bạn đồng nghiệp của mình, những nghiên cứu sinh đến từ khắp năm châu. Dù rất khó để vượt qua những “rào cản về văn hóa, ẩm thực”, khi mà bạn này không dùng thịt lợn, bạn kia lại không ăn thịt bò, chưa kể chuyện mùi hương như nhang khói ngày Tết mình, tôi cảm thấy đủ sự tự tin và thân thiết để dung hòa một cách tốt nhất, sao cho mỗi người đều có thể thưởng thức bữa tiệc nhưng vẫn nổi bật hương sắc Việt.

Dù rơi vào ngày thứ tư trong tuần, ai ai cũng tất bật bài vở nhưng có lẽ vì khá hào hứng với vài món bánh và món lẩu tôi thường làm và mời cả nhóm trước đó, lại thêm phần tò mò vì những ngày tôi sột soạt tranh thủ cắt những thùng giấy làm khuôn bánh chưng, nên chỉ các bạn người Trung Quốc không đến được vì cũng bận với tiệc năm mới của họ.

Tôi nhờ Nam, một bạn người Việt khác chung trường, cùng nhau chuẩn bị món khai vị chả giò, chọn phở bò làm món chính và tráng miệng bằng bánh da lợn cùng phô mai kiểu Nhật. Tôi cũng không quên tạo không khí Tết trong phòng khách nhà mình với chiếc bàn be bé, vừa đủ bày mâm ngũ quả, bánh chưng và một vài món ăn như mẹ tôi vẫn hay làm để cúng giao thừa.

Thực đơn hài hòa cùng sự khéo léo trong việc giới thiệu truyền thống Tết người Việt ở chiếc bàn “Tết” ấy đã tạo nên một không khí Tết thật sự đặc biệt đối với cả tôi lẫn các bạn đồng nghiệp.

Ngoài các món trong thực đơn, các bạn cũng tò mò hỏi về ý nghĩa mâm ngũ quả cùng những đĩa thức ăn trên bàn be bé kia và thích thú muốn được thử. Tôi và Nam có dịp giải thích và giới thiệu đến các bạn về Tết rất tự nhiên.

Chúng tôi đã cùng nâng ly và chúc mừng năm mới nhau bằng những ngôn ngữ của nước mình, có tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hy Lạp, Iran, Nigeria, và kết thúc là đồng thanh “Happy Tết”, “Chúc mừng năm mới” mà các bạn đã cố gắng nhớ.

Tết 2015, tôi đã có một cái Tết thật ý nghĩa, không chỉ với các du học sinh người Việt, gia đình Việt, mà cả với những người bạn quốc tế.

 

Tết Việt với bạn bè quốc tế 2015. Ảnh tác giả cung cấp

 

Xếp lại những dòng chữ ngọt ngào cho cái Tết 2015 này vào những trang nhật ký về cái Tết của thời tuổi đôi mươi trước. Chiếc điện thoại ding-dong những dòng tin nhắn sẻ chia đầy chân thành của các bạn đồng nghiệp mình lúc nãy về bữa tiệc năm mới.

Từ Alex: “Ngày Tết của người Việt các bạn thật hay, các bạn có mời cả tổ tiên ông bà về chung vui nữa, thật thú vị”.

Từ Maria: “Các bạn thật hiếu khách, chỉ có hai người, ngày trong tuần, mà có thể chuẩn bị ngần ấy món ăn cho cả nhóm như thế. Giờ mình mới biết, hóa ra Tết của người Việt là riêng, khác các bạn Trung Quốc. Chúc mừng Tết”.

Tôi mỉm cười mãn nguyện, nhớ lại những cảm giác lạc lõng những ngày đầu gia nhập nhóm, lạc lõng không chỉ trong nhóm các bạn châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, mà còn lạc lõng ngay trong cả nhóm 6 người châu Á, trong đó đã có 5 bạn Trung Quốc, và lạc lõng hơn hết cả là dòng chữ “Happy Chinese New Year” (Chúc mừng năm mới Trung Quốc) chứ không phải Lunar New Year (Năm mới âm lịch) ngay trên băng-rôn phòng đào tạo trường tôi đang theo học những ngày Tết năm ngoái.

Giờ đây, ít ra hơn mười người trong nhóm nghiên cứu tôi đã biết có một cái Tết Việt ấm áp như thế. Và tôi tin chắc rằng, đâu đó sẽ có sự lan tỏa của Tết Việt từ những người bạn này, ít nhất cũng là đối với những người thân, bạn bè của họ qua những câu chuyện kể, hay qua những hình ảnh chia sẻ trên Facebook mà tôi vừa thấy ngay đây của cô bạn người Pháp.

Nghĩ lại hai lần tạo cái Tết lúc ở Hàn Quốc và UK bên này, tôi nhận thấy rằng nếu như trước kia tôi nghĩ tôi có thể tự tạo ra cái Tết cho chính mình, thì giờ đây tôi vẫn đang làm điều tương tự. Duy chỉ khác một điều rất thiêng liêng mà mỗi mình tôi mới có thể nhận ra sau “biến cố” của 3 năm trước.

Vẻ bên ngoài về một cái Tết hoành tráng, long trọng, đủ đầy đều giống nhau trong ánh nhìn của người khác, nhưng tôi biết có một sự khác biệt rất rõ. Tôi giờ đây không gồng gánh trên mình những cây niêu, những bánh chưng, câu đối đỏ như trước nữa. Tết không nằm ở những món đồ đó. Tết nằm ngay trong lòng tôi, khi tôi đã mang quê hương trong mình.

Và rồi bất kể phương trời nào tôi đến, tôi cũng có thể mang Tết bên mình, cùng du xuân và lan tỏa bốn phương.

Theo: Vnexpress.net

 


Send mail   In trang
 
Các tin khác

DU HỌC - VISA EDUBRIDGE VIETNAM

Địa chỉ: Tầng 4, 18 Lê Lợi, Phường Vĩnh Ninh, TP. Huế

Email: edubridgevn@gmail.com

Điện thoại: 0234 3938 455 hoặc 0914 202 757

Fanpage: Du học - Visa EduBridge Vietnam

Website: edubridgevn.com

Lượt truy cập: 1283533 - Đang trực tuyến: 33